Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh viêm loét giác mạc
Giác mạc là một lớp mô trong suốt nằm phía trước con ngươi, là bộ phận tiếp xúc với ánh sáng đầu tiên, cho phép ánh sáng đi qua giúp mắt nhìn được thế giới xung quanh. Viêm loét giác mạc xảy ra khi tình trạng giác mạc bị trầy và bị nhiễm trùng. Đây là một bệnh lý nguy hiểm sẽ ảnh hưởng di chứng về sau nếu không được chữa trị kịp thời. Hãy cùng Paris Miki tìm hiểu về nguyên nhân triệu chứng và cách phòng bệnh viêm loét giác mạc để có những biện pháp phòng ngừa phù hợp nhé!
1. Viêm loét giác mạc là gì?
Viêm loét giác mạc là bệnh rất phổ biến trong các bệnh về mắt. Điều này có thể giải thích được vì giác mạc sẽ là bộ phận đầu tiên của mắt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Những biểu hiện thường thấy nhất ở bệnh là sợ ánh sáng, chảy nước mắt, giảm thị lực... Bệnh có tính chất nhạy cảm cấp cứu vì luôn kèm theo đau nhức ở nhiều mức độ.
Loét giác mạc gây nên sự phá hủy các mô giác mạc làm các tổ chức ở giác mạc bị hoại tử, tổn thương tạo nên một hoặc gây ra nhiều ổ loét. Đây là một bệnh xảy ra phổ biến, để lại hậu quả rất nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các di chứng nguy hiểm như sẹo giác mạc, teo nhãn, mất thị lực thậm chí có thể dẫn tới mù lòa.
Viêm loét giác mạc là bệnh khá phổ biến ở mắt hiện nay ( Nguồn internet)
2. Nguyên nhân gây nên viêm loét giác mạc
2.1 Chấn thương vùng mắt :
Giác mạc bị tổn thương xước, rách do tác động tự các vật thể hoặc do dị vật bắn vào mắt, cành cây, lá cây quệt vào mắt…
- Biến chứng của một số căn bệnh khác: lông quặm, hở mi do liệt thần kinh VII hay bướu cổ…
- Sử dụng kính áp tròng không đúng kỹ thuật
- Tự ý dùng thuốc tra nhỏ mắt không đúng, đặc biệt là các loại thuốc nhỏ có chất Corticoid kéo dài….
Sử dụng kính áp tròng sai cách là một trong những nguyên nhân gây loét giác mạc ( Nguồn internet)
2.2 Nguyên nhân do vi khuẩn
Là nguyên nhân thường xảy ra nhất, có nguy có gây giảm thị lực nghiêm trọng do đặc điểm có tiến triển nhanh, cấp tính, có thể gây nên hoại tử toàn bộ giác mạc.
Các loại vi khuẩn thường gặp nhất đó là: trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng, liên cầu và phế cầu, ngoài ra có thể do một số loại vi khuẩn khác gây nên như: Mycobacteria và Nocardia.
2.3 Do nấm
Viêm loét giác mạc do nấm cũng là một bệnh lý nhiễm trùng nặng trong số những bệnh nhiễm trùng giác mạc. Việc chẩn đoán nguyên nhân khó khăn do nhiễm nấm có các biểu hiện rất khác nhau. Điều trị cũng phức tạp, tiên lượng dè dặt do có khá ít chủng loại thuốc chống nấm và nấm cũng ít nhạy cảm với các loại thuốc chống nấm hiện có.
- Các loại nấm gây nên bệnh viêm loét giác mạc bao gồm: nấm sợi (Fusarium, Aspergillus, Alternaria, Mucor…)và nấm men (Candida, Trichosporon, Pichia…).
Viêm loét giác mạc do nấm gây ra ( Nguồn internet)
2.4 Do sự xâm nhập virus Herpes Simplex
Ở mắt với tác nhân gây bệnh thường gặp là virus Herpes Simplex Type I.
Bệnh có nguy cơ dễ tái phát. Mức độ nặng nhẹ có thể khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tinh thần, thể lực, hệ miễn dịch của người bệnh và độc lực hoạt tính của loại virus.
2.5 Do ký sinh trùng
Do Amip (Acanthamoeba): đây là một loại ký sinh trùng đơn bào, sống tự do, tồn tại ở nhiều nơi trong môi trường tự nhiên. Viêm loét giác mạc do Amip thường ít gặp hơn so với ba tác nhân phổ biến là nấm, vi khuẩn và herpes, nhưng cũng là bệnh lý tại giác mạc gây thương tổn nghiêm trọng. Viêm loét giác mạc do Amip có triệu chứng lâm sàng rất dễ bị nhầm lẫn với các nguyên nhân khác nên bệnh thường được chẩn đoán khá muộn, do thiếu các thuốc điều trị đặc hiệu nên tiên lượng bệnh sẽ không khả quan.
Do Microsporidia: là nhóm các kí sinh trùng ở dạng đơn bào, kí sinh bắt buộc trong tế bào và là tác nhân gây bệnh cơ hội, thường gặp nhất ở người suy giảm miễn dịch, đặc biệt là các bệnh nhân nhiễm HIV. Nhiễm Microsporidia tại mắt có hai dạng là viêm giác mạc nông và viêm giác mạc nhu mô. Đến nay, hiểu biết về bệnh này vẫn ở giới hạn trong các báo cáo trường hợp đơn lẻ.
Ký sinh trùng cùng là nguyên nhân gây ra viêm loét giác mạc ( Nguồn internet)
3. Những triệu chứng cơ bản của viêm loét giác mạc
Mí mắt bị sưng nề : Bệnh nhân rất khó mở mắt (dấu hiệu co quắp mi).
Cương tụ rìa giác mạc: mạch máu kết mạc sâu cương tụ đỏ vùng quanh giác mạc sẽ nhạt dần về phía cùng đồ. Có thể cương tụ và phù nề toàn bộ vùng kết mạc.
Giác mạc đục do thâm nhiễm của tế bào viêm, bề mặt mất bóng rất gồ ghề. Nếu có tổn thương biểu mô hoặc gây loét: nhuộm fluorescein. Có thể có mủ tiền phòng, phản ứng mống mắt và thể mi.
Tổn thương giác mạc có thể có một hoặc có nhiều ổ loét, ổ loét có thể tròn hoặc hình bầu dục; có thể ở trung tâm hoặc ở vùng rìa, có thể nhỏ hoặc rộng gần hết diện tích phần giác mạc.
Nguyên nhân do vi khuẩn gây nên:
Nhu mô bị tổn thương và viêm mủ dày đặc hoặc phù xung quanh. Nhu mô bị hoại tử tróc ra tạo ổ loét gây lõm sâu, bờ ổ loét nham nhở, đáy ổ loét thường có hoại tử bẩn có tiết tố mủ nhầy dính vào.
Ổ loét do trực khuẩn mủ xanh thường gây tiến triển rất nhanh. Chỉ sau 1 đến 2 ngày thì ổ loét đã phát triển lan rộng, thâm nhiễm lan ra trong nhu mô và nhanh chóng phát triển thành một ổ áp xe màu vàng chiếm phần lớn hoặc thậm chí toàn bộ vùng giác mạc.
Nguyên nhân do nấm:
Ổ loét thường dày, bề mặt khô và xung quanh ổ loét thường có những ổ thâm nhiễm vệ tinh và có thể có hình ảnh vòng miễn dịch bao ngoài ổ viêm. Bờ ổ loét thường gọn và giới hạn rõ. Ô loét phủ một lớp hoại tử khô dày, màu xám bẩn và gồ cao trên bề mặt giác mạc. Mủ tiền phòng xuát hiện rồi mất đi rồi sau đó lại xuất hiện.
Viêm loét giác mạc thường gây cảm giác khó chịu cho mắt ( Nguồn internet)
Viêm loét giác mạc cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến thị lực và gây khó khăn trong quá trình sinh hoạt thường ngày . Để phòng ngừa và hạn chế ảnh hưởng của viêm loét giác mạc thì những biện pháp phòng tránh là yếu tố quan trọng. Trong đó khi ra ngoài chúng ta nên đeo kính râm nhằm hạn chế ảnh hưởng của những tác nhân tiêu cực như bụi, dị vật… tới mắt. Nếu bạn đang băn khoăn chưa biết địa chỉ nào uy tín thì hãy tới https://www.paris-miki.vn/kinh-ram để lựa chọn cho mình những cặp kính râm phù hợp cho mình nhé!
4. Điều trị và phòng ngừa viêm loét giác mạc
4.1 Điều trị
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh sẽ có cách điều trị bệnh khác nhau. Nếu viêm loét giác mạc do vi trùng thì cách điều trị sẽ là dùng kháng sinh tại chỗ và toàn thân. Nếu viêm loét giác mạc do nấm, ký sinh trùng, vi rút thì dùng thuốc kháng nấm, kháng ký sinh trùng và kháng vi rút.
Bệnh nhân viêm loét giác mạc không nên băng kín mắt vì cách làm này có thể làm cho mắt nóng, ẩm và bẩn. Những điều kiện này sẽ giúp cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn, có thể đeo kính mát để bảo vệ mắt và giúp mắt bớt đi sự kích thích.
Ngoài cách điều trị bằng thuốc nhỏ tại chỗ, bệnh có thể được các bác sĩ điều trị bằng điện ghi giác mạc, ghép màng ối và ghép giác mạc.
Ở những nước có ngân hàng mắt rất phát triển, những người bị bệnh sẽ được bác sĩ khoan bỏ phần giác mạc bị hoạt tử và ghép vào đó phần giác mạc lành được lấy từ ngân hàng mắt gọi là phương pháp ghép giác mạc điều trị.
Ở Việt Nam, việc hiến tạng ở những người qua đời nhìn chung còn chưa được ủng hộ rộng rãi nên phương pháp ghép mô trong việc trị bệnh còn rất hạn chế. Do đó những bệnh nhân bị loét giác mạc ở mức độ rất nặng thường phải chịu cảnh mù lòa.
Viêm loét giác mạc là loại bệnh tiến triển nhanh. Vì thế cần đến bệnh viện sớm nhất và có sự theo dõi cẩn thận. Có một số trường hợp bị kháng thuốc nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp sẽ dẫn đến thủng nhãn cầu hoặc khoét bỏ nhãn cầu. Bệnh khi lành để lại sẹo, sẹo sâu rộng có thể gây mù lòa.
Viêm loét giác mạc ngay cả khi điều trị tốt nhưng nếu lành bệnh vẫn có thể để lại những di chứng như các vết sẹo đục, trắng làm cho giác mạc mất sự trong suốt. Sẹo giác mạc dày hay mỏng, to hay nhỏ còn phụ thuộc vào tình trạng của bệnh. Sẹo mỏng, nông sẽ rất ít ảnh hưởng đến thị lực. Sẹo đục, dày, rộng không những làm thị lực mờ đi mà có thể viêm nhiễm tái phát, đặc biệt khi cơ thể giảm sút sức đề kháng.
Nhiều trường hợp viêm tái phát này sẽ tiến triển trầm trọng và gây loét nặng, thậm chí thủng giác mạc. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp giảm hoặc ngăn ngừa được di chứng và cải thiện tốt thị lực.
Nên phát hiện và điều trị sớm viêm loét giác mạc ( Nguồn internet)
4.2 Phòng ngừa viêm loét giác mạc
- Đối với trẻ em, cần giáo dục tốt ý thức phòng bệnh, khuyên nhủ trẻ tránh xa các trò chơi nguy hiểm ảnh hưởng đến mắt.
- Khi có dị vật hoặc một chấn thương mắt xảy ra thì đầu tiên nên nhúng mắt vào nước sạch và nháy liên tục với hy vọng dị vật nhỏ sẽ rơi ra khỏi mắt.
- Khi mắt đỏ, ngứa, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, đau nhức phải đi khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện mắt chuyên khoa. Tuyệt đối không nên điều trị theo kinh nghiệm, truyền miệng như dùng các loại lá cây, côn trùng đắp vào mắt sẽ rất nguy hiểm.
- Không được băng kín mắt khiến mắt bị nóng, ẩm, bẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ hơn.
- Có thể đeo kính bảo vệ và giảm sự kích ứng mắt. Không được tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mắt có chứa prednisolon, dexamethasone, hydrocortison khi chưa có chỉ định của các bác sĩ.
- Nếu có các biểu hiện đau nhức, uống kèm thuốc giảm đau như paracetamol và đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để khám và điều trị kịp thời.
- Viêm loét giác mạc là một bệnh nặng và thường để lại di chứng về sau mặc dù được điều trị tốt và kịp thời. Vì thế, việc phòng bệnh là điều quan trọng nhất.
Không nên băng kín mắt để tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển ( Nguồn internet)
Viêm loét giác mạc là một vấn đề nghiêm trọng với mắt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Paris Miki vừa chia sẻ với các bạn về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh viêm loét giác mạc, hy vọng thông qua bài viết này các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích để phòng tránh và ngăn ngừa. Hãy luôn theo dõi và ủng hộ Paris Miki nhé.